skip to Main Content

Ây da lại chủ đề dịch bệnh!

Tránh không khỏi mọi người ơi vì cái con corona nó đeo bám cả thế giới từ đầu 2020, cuộc sống của mình cũng lấy corona làm kim chỉ nam ý, làm gì cũng nghĩ đến nó 🙁

Hôm nay mình viết về những thứ bản thân mình rút ra được trong mùa này nhé. Mình thấy đó cũng là một điều lạc quan, vì những kinh nghiệm & thói quen này hẳn sẽ theo mình mãi, dù sau này dịch có qua đi (hi vọng sớm!!)

Bài học 1: Dự trữ

Thỉnh thoảng ba mình lại gọi điện thoại khuyên mình nên trích 20% lương mỗi tháng để tiết kiệm, vì mình sẽ không biết có chuyện gì xảy ra. Không bàn đến chuyện tiết kiệm để mua nhà mua xe, thì ít nhất cũng phải có tiền tiết kiệm để khi nghỉ việc vài tháng chưa tìm được việc mới còn có thể nuôi thân. Ba còn kể Nhà nước cũng có khoản dự trữ quốc gia bằng tiền bằng ngoại hối mà còn quy đổi ra số tuần nhập khẩu (tức là khi có biến cố gì đó mà không xuất khẩu để lấy tiền về, phải dùng dự trữ để nhập khẩu lương thực, nhu yếu phẩm về thì số tiền đó trụ được bao nhiêu tuần ấy).

Cá nhân mình đã từng có gap time giữa 2 công việc và mình cũng phần nào kinh qua được những ngày tháng không kiếm được tiền mà phải trả hoá đơn & mua đồ ăn. Tiền tiết kiệm đã giúp mình có 3 tháng thoải mái tìm công việc mình thật sự thích.

Đợt dịch bệnh này giống như một dịp để mình thực hành thói quen dự trữ, xây dựng một “hệ thống” dự trữ cho bản thân và gia đình một cách thực tế vậy đó. Mình dông dài rồi, mình chia sẻ ngay đây!

Disclaimer: Đây chỉ là kinh nghiệm bản thân tự đúc kết.

Đầu tiên, hãy nghĩ về những điều sau:

  • Những món đồ thực sự thiết yếu
  • Thời gian tiêu thụ của từng món đồ
  • Điều kiện mua lại chúng

Rồi nhé, mình sẽ chia mục theo từng loại đồ để mọi người tham khảo cách mình dự trữ nha.

À, trước khi vào chi tiết, mình liệt kê những nguyên tắc của việc dự trữ – Có thể skip đoạn này, mình có ví dụ rất kĩ cho từng thứ ở dưới nhen.

  1. Chỉ dự trữ những thứ bạn thực sự có sử dụng;
  2. Số lượng dự trữ phải cân nhắc đến 4 yếu tố: a-thời gian dự trữ, b-tần suất sử dụng, c-hạn sử dụng & d-điều kiện mua lại;
  3. Thời gian dự trữ có thể cố định là 1 tháng (4 tuần dự trữ) hoặc phải cân đối với hạn sử dụng của thứ đó;
  4. Ngay khi dùng hết thứ gì đó và phải động vào đồ dự trữ, hãy đảm bảo rằng bạn phải mua lại chúng để lấp vào kho.

Thực phẩm

Thực phẩm tươi: Thịt, cá, rau

Những thứ này có đặc điểm là sẽ rất nhanh hư, và cho dù không hư thì nó cũng không ngon nữa. Không ngon chúng mình sẽ không ăn, bỏ đi thì dự trữ làm gì đúng không? Chỉ mua đồ bạn thích ăn thôi nhé!

  • Có thể mua lại dễ dàng: mình mua ít thôi! Ví dụ thịt chỉ để được 2 ngày trong ngăn mát và 4 ngày trong ngăn đá (trước khi nó quá dở) thì mình mua cho 2 ngày ăn (2 ngày ăn liền & 2 ngày dự trữ). Khi ăn hết 2 ngày và phải động đến đồ dự trữ thì mình mua thêm 2 ngày tiếp để lấp vào
  • Khó mua lại (mùa dịch bệnh/thiên tai) hoặc lười mua nhiều lần:
    • Thịt/hải sản: làm thành chả rồi bỏ ngăn đá. Đồ ăn chín rồi thì sẽ trữ được rất lâu đó. Giả sử 1 tháng không mua lại được (bị cách ly chẳng hạn), thì mình mua đa dạng loại để trữ thì sẽ đỡ ngán.
    • Rau/củ: mọi người có thể mua kim chi hộp hoặc rong biển khô để chữa cháy cho món canh đó. Tưởng tượng 1 tháng không có rau thì không tốt cho sức khoẻ tí nào.. Những món này có thể trữ được nhiều tháng trong tủ lạnh. Kể cả không có dịch bệnh thì khi nhà không có rau sống thì có thể lấy ra ăn ngon lành.
    • Ngoài ra có những loại có thể bảo quản ngăn đá lâu dài được như là sả, tỏi, hành, v.v.. Ớt có thể để ngăn mát, nó sẽ khô lại như ớt khô nhưng cắt ra ăn vẫn cay xè nhá. Những thứ này thì cho dù dễ mua lại mình vẫn recommend mọi người trữ 1 ít trong tủ lạnh để khi cần dùng thì có sẵn nhen, đỡ phải đi mua nhiều vì có khi chỉ cần dùng 1 ít mà mua lích kích. Chưa kể mỗi lần mua người ta thường cho rất nhiều dùng không hết, mình làm cách này lại càng hợp lý.

Thực phẩm khô/đóng hộp: gạo, mì gói, miến/phở/hủ tíu/mì khô, lạp xưởng, thịt hộp, sữa hộp, trà, cà phê

Hầu hết những loại thực phẩm khô đều được liệt vào dạng ít khi mua (~ 1-2 tháng mới mua 1 lần).

  • Gạo:
    • Hãy tính xem nhà bạn tiêu thụ bao nhiêu ký gạo 1 tháng. Ví dụ 5kg/tháng nhé
    • Bạn muốn dự trữ bao lâu? Mình khuyên là đối với gạo nên dự trữ 1 tháng thôi, để lâu sẽ dễ bị mọt. Vậy thì mua 10kg gạo nha, chia làm 2 thùng. Ăn hết thùng 5kg, ăn tiếp thùng còn lại. Ngày bạn quyết định mở thùng thứ 2, phải đi mua ngay 5kg để trữ tiếp!
  • Các loại mì/bún/miến/phở khô:
    • Hãy nghĩ xem nếu có gạo rồi thì bạn sẽ ăn những thứ này bao nhiêu lần 1 tháng? Ví dụ mình nấu đồ nước 1-2 ngày cuối tuần, kiểu nấu 1 nồi nước dùng rồi ăn từ sáng đến chiều ấy. Thế thì mình sẽ cần trữ đủ cho tầm 4-8 ngày ăn nhân với 2, theo đúng nguyên tắc trên, cứ động vào phần dự trữ thì mình mua thêm lấp vào.
    • Nhớ kiểm tra hạn sử dụng nhé! Nếu bạn định dữ trữ 1 tháng, hãy chắc rằng món bạn mua có thể để được ít nhất 2 tháng (vì không phải tháng nào mình cũng ăn hết 4-8 ngày như dự tính đâu!)
  • Đồ đóng hộp, đóng gói: Thường thì những loại này hạn sử dụng khá lâu & mình cũng ít ăn, không thể tính được tần suất như 2 loại trên. Nên là mình sẽ trữ tầm 1-2 hộp/thùng/gói mỗi loại. Cứ gần hết thì cân nhắc xem có dùng tiếp không thì mua thêm ngay.
  • Trà, cà phê, sữa: đặc tính giống loại đóng gói ở trên nhưng có tần suất sử dụng khá cao (nếu bạn là con nghiện cà phê như mình). Thế nên hãy mua 2 hộp gồm 30 gói x 2 (hoặc trà với số lượng đủ uống 2 tháng), hết 1 tháng thì mua thêm 1 tháng 😉 Vậy thôi.

Hoá mỹ phẩm

Hoá phẩm: Bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, dung dịch tẩy rửa

Đặc điểm chung của những thứ này là thời gian tiêu thụ tính bằng tháng.

  • Hãy chú ý và ghi lại thời gian tiêu thụ của từng món. Hoặc ghi lại ngày mua vào sổ để khi mua lần tiếp theo bạn sẽ tính được thời gian sử dụng đó. Như vậy bạn sẽ biết để trữ trong vòng 1 tháng bạn cần mua số lượng bao nhiêu
    • Nếu có điều kiện thì mua túi to nhất cho tiết kiệm, dùng gần hết thì nhớ đi mua tiếp.
    • Nếu không muốn mua quá to (không có chỗ chứa, chi quá nhiều tiền một lúc không cần thiết) thì càng phải để ý thời gian sử dụng để mà mua lại (ví dụ mỗi tháng mua bột giặt một lần vào cuối tháng) hoặc mua thành 2 gói nhỏ, dùng hết 1 gói thì stock tiếp gói nữa. Cứ thế sẽ luôn có 1 gói để dự trữ.
  • Nên có một nơi cố định để chứa hết những đồ dự trữ này, xếp theo loại, để khi trong nhà bạn dùng hết, ra kho lấy bạn sẽ biết là chỉ còn bao nhiêu và có phải mua thêm hay không. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn cũng có thể kiểm tra kho, cứ hết món nào sẽ để ý được ngay.

Mỹ phẩm: sữa rửa mặt, dầu gội xả, sữa tắm, dưỡng da

Đặc điểm giống hệt hoá phẩm. Cách dự trữ cũng hoàn toàn tương tự. Mình chỉ để đây mang tính chất liệt kê.

Tuy nhiên có 1 đặc điểm cần chú ý là mỹ phẩm sẽ có rất rất nhiều loại và bạn sẽ mua mỗi loại rất nhiều thứ: son, kem nền, serum, kem dưỡng, kem chống nắng, hàng tỷ thứ. Thế nên bạn sẽ dễ quên mất hạn sử dụng của chúng & không để ý khi những thứ cần dùng đã hết.

  • Hạn sử dụng: hãy hạn sử dụng lên món đồ đó nha. Thường thì mỹ phẩm sẽ có hạn sử dụng in trên bao bì VÀ hạn sử dụng sau khi mở nắp. Tuyệt với nhất là bạn ghi lại ngày mở nắp trên băng keo giấy và dán lên chúng.
  • Dự trữ: hãy liệt kê chỉ những thứ không có thì sẽ gặp vấn đề và đối xử với nó như những đồ dự trữ kia. Ví dụ: sữa rửa mặt, dầu gội và sữa tắm. Da không dưỡng thì thật ra không chết đâu 😀 À, một lần nữa, nếu mỹ phẩm quá khó mua (phải đặt hàng từ nước ngoài) hoặc ít khi giảm giá, thì có thể stock nhé, hì!
  • Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của mình là không mua sắm vô tội vạ nha, cùng hướng tới lối sống tối giản và tiết kiệm nào!!

Những thứ linh tinh khác

Ở đây mình muốn nói tới những thứ như giấy vệ sinh, băng vệ sinh, bàn chải, v.v..

Nếu muốn dự trữ, bạn có hoàn toàn có thể áp dụng cách dự trữ tương tự những thứ kể trên sau khi cân nhắc tần suất sử dụng và khả năng mua lại nhé.

Tuy nhiên mình khuyên bạn nên tìm thứ thay thế, vừa bảo vệ môi trường (bằng cách hạn chế rác thải) vừa có thể dùng lại nhiều lần mà không cần mua.

  • Giấy vệ sinh: Có thể thay thế bằng vòi xịt. Nếu không có thì mình chi một khoản để lắp 1 cái, vừa tiện lại vừa sạch! Có thể bỏ hoàn toàn giấy vệ sinh hoặc giảm lượng dùng rất nhiều ý.
  • Băng vệ sinh: Thay thế bằng cốc nguyệt san. 1 lần mua cốc nguyệt san tầm 600-700 ngàn nhưng có thể dùng đến 5-10 năm, tính ra thì cực kì tiết kiệm. Ngoài ra còn đem đi khắp mọi nơi mà không phải sợ bất chợt có sự cố hay những lúc không mua được băng vệ sinh 🙂
  • Bàn chải: Đây là thứ phải thay 6 tháng 1 lần và bạn có thể đầu tư 1 chiếc bàn chải điện loại tốt, dùng được lâu hơn rất nhiều (nhiều loại vẫn cần thay đầu chải nhưng dùng được lâu hơn so với bàn chải thông thường đó)

Nhiều thứ khác mà mình không thể kể ra. Nhưng bạn hãy nghĩ theo hướng tìm vật thay thế nha, như vậy mình sẽ đỡ phụ thuộc hơn vào việc phải mua đi mua lại và dự trữ đó.

Quan trọng không kém..

Hãy nghĩ đến những sinh vật sống khác trong nhà bạn: chó, mèo, cá cảnh v.v.. và dự trữ đồ ăn, đồ vệ sinh cho chúng hệt như cách mình trữ cho con người nha. Chúng có những đồ rất specific khó thay thế được nên càng phải cân nhắc hơn nhiều đó!

Mình luôn trữ đồ ăn cho mèo nhà mình với khẩu phần đủ ăn 1 tháng. Hì, mình ăn mì gói được chứ nó không ăn thứ khác ngoài hạt và pate cá ngừ được, hic..

Cho cái hình làm thumbnail nào

Hi vọng mình đã giúp được bạn trong việc “quản lý gia đình” và giúp cuộc sống dễ dàng hơn một chút!

Mình sẽ viết phần 2 sớm nha!

This Post Has One Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top