skip to Main Content

Chào mọi người 😉

Hôm nay cuối ngày thứ 6, xoã việc nhưng mình lại ngồi đây viết linh tinh về nghề nghiệp mình đang làm vì mình thấy nó cũng khá lạ lẫm nhưng lại rất gì và này nọ – nhất là đối với những bạn học kinh tế giống mình.

**DISCLAIMER: vẫn lối viết cũ, mình chia sẻ dưới dạng kinh nghiệm cá nhân, kể chuyện kèm cảm xúc hí hí vì thực ra mình chẳng đủ trải nghiệm qua nhiều công việc hay nhiều công ty để viết bài hướng nghiệp.

Giới thiệu sơ về bản thân

Mình tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế TPHCM khoa Kế toán – Kiểm toán, chuyên ngành Kế toán.

Sau đó mình làm kế toán 1 năm ở một công ty cung cấp dịch vụ kế toán (Outsourcing accountant).

Song song đó mình học lên thạc sĩ Quản trị kinh doan của Đại học Western Sydney. (Mình vừa đi làm vừa đi học thôi chứ mình hổng có đi du học nha, trường ĐH Kinh tế liên kết nên mình học lên luôn)

Mình đã từng lạc lối thế nào?

(Đoạn này kể chuyện hơi dông dài ạ, skip đến 2 phần nữa để đọc thông tin hoặc đọc tiếp để đồng cảm nhá!)

Thực ra dù mình đậu vào ĐH Kinh tế với số điểm top 100 trên gần 5000 sinh viên, nhưng mình thích nghi với môi trường đại học siêu chậm và điểm số sau 3 học kì để xét chuyên ngành không đủ cao để vào các ngành hot (lúc đó cũng chẳng biết nên học gì và sẽ làm gì nên cứ vin vào những ngành hot mà đặt mục tiêu..). Và rồi ba mình gợi ý chọn Kế toán – “vì công ty nào cũng cần kế toán con à”.

Tada, mình nhanh chóng nhận ra mình không hợp kế toán. Và cái cảm giác phải chọn ngành này chứ không có nhiều lựa chọn đã khiến mình thiếu động lực cố gắng. May quá, mình gặp được đám bạn dễ thương nên đã siêng năng chăm chỉ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, cảm-giác-không-hợp-ngành-này đã đeo bám mình cho tới khi mình làm công việc đầu tiên: Kế toán.

Mình là đứa đã làm gì thì muốn đi tới cùng chứ không phải học 4 năm xong đùng cái bỏ ngang bắt đầu lại từ đầu. Ờ, chắc tại mình nhát. Vậy nên mình xác định sẽ đi làm kế toán, vì biết đâu dần dần mình sẽ thích, chưa làm mà đã phán không hợp, ơ?

Mức lương ở công ty đầu tiên – mình vẫn nhớ như in – 4 triệu/tháng (năm đó là 2015). Mình hằng ngày đi hơn 10km đến công ty đúng 7:50 và ở lại cũng khá trễ để làm tất cả những công việc của một chị kế toán cần mẫn. Ngoài ra mình còn chạy lên chạy xuống cơ quan BHXH, cục thuế và sở công thương. Đến kì nộp báo cáo thì cắm đồ đạc ở công ty không về trong 2 tuần (literally các bạn ạ) vì chỉ đến đêm mạng mới đủ mạnh để nộp báo cáo thuế.

Sau đủ một năm, kinh qua các loại báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo tài chính năm thì mình nhận ra: năm tiếp theo vẫn sẽ lặp lại y hệt vậy.

22 tuổi đúng là chông chênh & hoài nghi về bản thân dễ sợ đó, mình cũng vậy!!

Lúc đó, chương trình thạc sĩ của mình đến giai đoạn chuyên ngành và cực khó, thêm gánh nặng nè trên vai với số tiền mỗi môn học là 26 triệu/môn (bằng nửa năm tiền lương chứ nhiêu). Cộng thêm sự mệt mỏi sau mấy tuần ngủ lại công ty, mình đã quyết định xin nghỉ để tập trung việc học và tìm lối đi tốt hơn cho sự nghiệp.

Cơ hội đến vào lúc mình ít trông chờ nhất..

Là một con sâu ngủ, mình tưởng mình sẽ dùng thời gian nghỉ này để ngủ cho đã và chỉ đến trường học vào buổi tối. Nhưng mình đã nhanh chóng chán nản với trạng thái thất nghiệp & sống không hề cho ích cho xã hội.

Mình lên mạng tìm việc. Cảm giác mạnh mẽ trong mình lúc đó là mình không nghĩ làm kế toán sẽ có con đường phát triển đúng ý mình muốn. Mình muốn tìm những công việc khác hơn, dù chẳng biết là việc gì. Mình nhìn vào những kĩ năng mình có: một chút kế toán, tiếng anh cũng trôi chảy, office cũng ào ào – ngoài ra, chẳng-còn-gì-cả!

Nếu ai đã từng trải qua combo chưa đủ kinh nghiệm & không biết mình muốn làm gì & thất nghiệp thì bắt tay, mình hiểu bạn! Mấy tháng đó thiệt sự kinh khủng, kiểu như cả cuộc đời sau đó tăm tối và mờ tịt trước mắt mình.

Bây giờ nhìn lại thì mình cũng muốn khuyên bản thân rằng là hãy dành thời gian để nghiên cứu những công việc liên quan, để tìm việc và thử đi phỏng vấn. Trên hết là hãy lạc quan & tự tin vào bản thân.

Ngày đó, mình tuyệt vọng và rất cần được sự ủng hộ từ gia đình, nên mình nghĩ mình muốn vào một công ty to to. Thế là mình lên vietnamworks và click vào những công ty có logo ở trang chủ rồi tìm thử họ đang tuyển gì, yêu cầu có phù hợp với mình không..

Mình apply và đi phỏng vấn cũng khá nhiều. Từ kế toán (dù thì cũng phải thử tiếp), tax advisory, v.v.. mình chẳng nhớ hết. Nhưng, vâng, một chữ nhưng ở đây.

Đến một ngày mình nhận được email của Bosch bảo mình đi test (tức là đã đậu vòng CV) cho vị trí “fresher SAP FICO Consultant”. Mình giật mình chẳng nhớ đã apply vị trí này, tìm lại job description thì nó đã hết hạn và không còn thấy nữa. Thế là mình lên mạng search công việc này và nhận ra mình không biết gì về nó cả.

Nhưng mình cũng tự nhủ là vị trí fresher chắc người ta cũng đào tạo thôi. Rồi cả đêm mình ngồi đọc về cái nghề này để chuẩn bị hành trang đi phỏng vấn..

Kết quả là mình đã được nhận rồi công việc này đã theo mình hơn 4 năm nay và chắc là mãi về sau 🙂

Hồi mới vào làm fresher

SAP là gì?

SAP (Systems Application & Products) là tên của một phần mềm cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp (ERP – Enterprise Resource Planning). SAP là một công ty Đức.

Hừm, giải thích theo ngôn ngữ bà ngoại là khi vận hành một công ty, sẽ có rất nhiều khâu từ sản xuất, mua hàng, bán hàng đến kế toán (nhiều nữa mà mình ví dụ ít vậy thôi) phải quản lí. Đơn giản như phần mềm kế toán đi. Kế toán sẽ phải nhập vào số liệu, hoá đơn, chứng từ, thanh toán v.v.. và xuất báo cáo nộp cho thuế, nộp cho cấp cao hơn để phân tích, quản trị. Kiểu vậy. Thì SAP là một trong những phần mềm như vây. Mình vừa google thì 9 trên 10 công ty thuộc Fortuen 500 dùng SAP.

Theo mình biết thì SAP cung cấp giải pháp toàn diện và chi phí triển khai đắt đỏ, nên những công ty có quy trình phức tạp sẽ chuộng dùng. Lúc trước mình làm kế toán cho những công ty vừa và nhỏ, số lượng chứng từ một tháng rất ít và họ hầu như chỉ có mua đi bán lại hoặc cung cấp dịch vụ vừa phải, nên chủ yếu dùng phần mềm có tính năng đơn giản. (Có khi chỉ dùng excel là đủ ấy). Ý mình là, ở Việt Nam mình thấy những công ty dùng SAP là những công ty khá lớn.

SAP Consultant là gì?

SAP Consultant là người tư vấn SAP.

Tư vấn ở đây là tư triển khai phần mềm SAP, áp dụng phần mềm một cách hiệu quả nhất vào từng loại hình công ty, đưa ra giải pháp để giải quyết những yêu cầu/những vấn đề về quản lý của doanh nghiệp.

Lại tiếp tục ngôn ngữ bà ngoại. Có bao giờ ba mẹ bạn hỏi bạn làm thế nào để cài nhạc chuông điện thoại là một bài nhạc khác ngoài tiếng chuông mặc định chưa? Có ai từng hỏi bạn bây giờ post một bài trên Facebook muốn cho bạn bè thấy trừ một vài người chưa? Hoặc to bự hơn: làm thế nào để cài Windows cho máy tính và bắt đầu sử dụng với nhu cầu xem tin tức, soạn văn bản, nghe nhạc, v.v..?

Khi bạn trả lời những câu hỏi đó, cài đặt giúp họ để họ có thể dùng được máy tính/điện thoại/phần mềm nào đó, thì bạn đang làm công việc của một người tư vấn.

Mình cũng vậy, mình làm công việc như vậy, nhưng với SAP.

Vẫn chưa hiểu lắm, cụ thế SAP Consultant liên quan gì đến kinh tế vậy?

Thực ra đoạn này mình google và dịch ra cộng thêm ngôn ngữ bà ngoại của mình nhá.

Nguồn đọc dễ hiểu: https://www.guru99.com/how-to-become-sap-consultant.html

Có 4 loại SAP consultant:

  • Business/Sales Consultant: những người này hiểu về SAP và những tính năng mà SAP có thể làm được để đi presales (chào hàng) những công ty đang cần một phần mềm giải quyết công cuộc quản trị của họ
  • Functional Consultant: chỗ này là mình nè. Là những người giống ví dụ ở phần trên – tư vấn sử dụng phần mềm hợp lí, triển khai phần mềm với những giải pháp phù hợp. Có rất nhiều function ở SAP như:
    • Sản xuất (PP – Production Planning),
    • Quản lý kho (WM – Warehouse Management),
    • Vận chuyển (LE – Logistics Execution),
    • Quản lí vật tư (MM – Material Management)
    • Bán hàng (SD – Sales and Distribution)
    • Kế toán tài chính (FICO – Financial Accounting and Controlling)
    • Nhân sự (HCM – Human Capital Management)
    • … rất nhiều

Đối với từng phân hệ, functional consultant hiểu về quy trình thực tiễn (như mình, mình hiểu về kế toán) và phần mềm ứng dụng vào phân hệ đó. Nghĩ mà xem, bạn hiểu SAP, nhưng bạn không hiểu kế toán họ làm gì thì làm sao có thể giúp họ giải quyết vấn đề của họ đúng không?

Và công việc của một functional consultant không phải bới tung phần mềm lên hay viết code, nên thực ra mình thấy nó nghiêng về kiến thức quy trình hơn là kiến thức IT.

(Ví dụ tiếp: nếu ba mẹ bạn hỏi làm sao để đổi cái tên nhà mạng ở góc trái của iPhone, thì bạn bó tay đúng không? Có những tính năng trên phần mềm mà bạn không thể thay đổi được dù cho có lục tung Setting lên)

==> Đây là chỗ các bạn học kinh tế có thể dùng những năm học đại học và kinh nghiệm của mình để làm nè. Những phân hệ mình liệt kê ở trên theo mình là nó dính khá nhiều vào những ngành ở những trường kinh tế (kế toán, kiểm toán, kinh doanh, thương mại, tài chính, v.v..)

  • Developer Consultant: đây là người có thể bới tung phần mềm và thêm thắt những tính năng mà phần mềm chuẩn không có được nhờ viết code nè 😀 Vị trí này thiêng về những bạn học IT hơn (một số bạn học Hệ thống thông tin quản lý cũng có thể làm được). SAP dùng ngôn ngữ lập trình là ABAP – không phổ biến lắm đúng không? Không phải Java hay C++ nên vào đây bạn cũng sẽ học lại ngôn ngữ này chứ không đòi hỏi kinh nghiệm ngôn ngữ khác mới làm được đâu. Nhưng mình nghĩ những bạn học IT biết nhiều ngôn ngữ học sẽ dễ hơn chứ như mình thì mù mờ, nhức đầu, chóng mặt ^__^
  • Basis Consultant: những người chịu trách nhiệm về cài đặt, bảo trì phần mềm, database hay performance nhanh chậm, đại loại vậy á. Mình cũng hông rành lắm, hihi.

Công việc của một SAP Consultant là gì?

Ây da chỗ này không biết 5 năm kinh nghiệm như mình có việc sai sót gì không, mình viết theo những dự án mình thấy và trải nghiệm nhá.

Có hai loại công việc chính đối với một SAP Consultant: Implementation/Rollout Projects và Application Management Services.

Implementation/Roll-out Projects

Chỗ này dịch ra là làm những dự án triển khai SAP.

Nói về thuật ngữ chuyên ngành thì dài dòng lắm.. Tóm lại là công việc của những người làm dự án là

  • Hiểu về quy trình mà khách hàng đang chạy cũng như yêu cầu của họ;
  • Phân tích xem liệu SAP có thể đáp ứng được không (nếu được thì setup như thế nào và nếu không thì giải pháp thay thế là gì);
  • Những dự liệu cũ sẽ được chuyển lên SAP như thế nào;
  • Chạy thử xem sau khi triển khai, cài đặt các thứ thì phần mềm có chạy đúng như ý muốn hay không và cần chỉnh sửa lỗi nào không;
  • Hướng dẫn người dùng cách sử dụng SAP để họ có thể tiếp tục công việc hằng ngày của họ;

Công việc này đòi hỏi bạn phải thực sự hiểu về những gì user họ đang làm và thực sự nắm rõ những gì SAP có thể làm được. Phải kết hợp với mọi người trong team dự án trong những quy trình tích hợp, làm việc tốt giữa functional consultant và developer consultant..

À, công việc này cũng đòi hỏi phải đi công tác khác nhiều, ngồi tại công ty khách hàng vì phải trao đổi liên tục cho ra giải pháp phù hợp nha.

Application Management Services

Nói nôm na là bạn sẽ hỗ trợ sửa những lỗi của phần mềm trong quá trình người dùng dùng SAP.

Thường là sau khi triển khai một thời gian, mọi thứ đã ổn định một thời gian thì họ sẽ rời đi. Lúc này, người dùng hoặc là chưa quen với thao tác SAP, hoặc là có những lỗi mà trong quá trình triển khai chưa phát hiện ra, khách hàng sẽ cần một đội hỗ trợ cho từng lỗi như vậy – đảm bảo sử dụng SAP mượt mà hiệu quả.

Thường thì những bạn làm support service sẽ không đi công tác nhiều mà có thể hỗ trợ từ xa. (Cũng có dịch vụ hỗ trợ tại chỗ, thường là sau khi triển khai xong sẽ kết hợp dịch vụ này luôn ^_^)

Làm thế nào để trở thành SAP Consultant?

Bằng cấp

Như đã kể trên về những loại SAP Consultant và công việc của một SAP Consultant, mọi người chắc cũng nắm sơ về những yêu cầu của ngành ha.

  • Đối với Functional Consultant mình thấy họ hay tuyển những người có bằng cấp từ những ngành Kinh tế nói chung.
  • Đối với Developer Consultant thì cần những bạn có bằng cấp về IT.

Mọi người có thể tìm những tin tuyển dụng với keyword như là: SAP FICO Consultant, SAP MM Consultant.. (thay tên phân hệ bằng tên mình để ở phần trên nha), hoặc nói chung là SAP Functional Consultant. Hoặc là SAP ABAP Consultant đối với những bạn muốn đi theo hướng developer nha.

Những em mới ra trường có thể thêm chữ fresher vào, hì.

Kĩ năng

Những kĩ năng cơ bản như giao tiếp tốt (đặc biệt là tiếng Anh vì phần mềm chủ yếu là bằng tiếng anh – ngoài ra biết thêm tiếng Nhật, tiếng Đức v.v. thì càng tốt); làm việc nhóm tốt v.v.. hì nhiều lắm.

Khởi đầu thế nào?

Những khởi đầu mình thấy mọi người có thể thử nếu thích SAP và thích làm công việc SAP:

  • Xin việc làm từ fresher – nơi mà công ty sẽ đào tạo vài tháng đến nửa năm cho bạn và đưa bạn công việc, dự án thực tế để vừa học vừa làm. Hồi trước mình bắt đầu với Bosch. Theo mình được biết thì có khá nhiều công ty đào tạo từ fresher như FPT software, Abeo, v.v..
  • Làm người dùng SAP ở một công ty dùng SAP (ví dụ bạn làm kế toán thì bạn có thể tìm hiểu xem công ty nào dùng SAP, xin việc vào đó, dùng SAP mãi rồi cũng sẽ hiểu hơn về SAP và quy trình kế toán nữa)
  • Học những khoá học SAP – đoạn này mình không rành lắm nhưng mình được biết có khá nhiều khoá học online có thể đăng ký. Nắm được lý thuyết (không biết những khoá này có thực hành trên SAP luôn không) thì khi xin việc cũng sẽ dễ dàng được chú ý hơn. Tuy nhiên mình nghĩ vẫn sẽ phải bắt đầu từ fresher 🙂

Lương của SAP Consultant ở khoảng nào?

Hihi, Theo mình thấy thì lương của SAP Consultant cũng khá tốt và có khá nhiều cơ hội để phát triển trong sự nghiệp nên mức lương cũng dễ được tăng một cách xứng đáng.

Đó là điều mình thích nhất ở công việc này: luôn có rất nhiều thứ để học, để phát triển bản thân, để trải nghiệm – để bản thân cảm thấy tốt hơn mỗi ngày, mỗi dự án, mỗi kinh nghiệm tích luỹ được. Với những kĩ năng và kinh nghiệm có được thì bạn sẽ được chi trả xứng đáng thôi!

Mình để mức lương tham khảo của developer/IT/software engineer ở đây nha vì mình không tìm thấy cụ thể range lương của SAP consultant ở Việt Nam (còn ở nước ngoài thì mình thấy khó mà refer), mình thấy cũng khá tương đồng. Nhấn mạnh: tham khảo 🙂

Nguồn: FirstAlliances

Uầy, bài dài quá rồi. Mình viết hơn 2 tiếng, đầy tâm huyết nên mình hi vọng có thể giúp được ai đó đang quan tâm đến công việc SAP Consultant hoặc là những bạn đang lạc lối trong công việc. Ít ra đây cũng là một gợi ý không tồi ha?

Mình biết là mình còn nhiều thứ chưa chia sẻ hết và nhiều thứ không biết, mình cũng chỉ mới làm 5 năm thôi nên mình sẵn sàng nghe góp ý ở phần comment.

Cảm ơn mọi người và chúc mọi người vui vẻ & thành công với công việc của mình.

Dương.

This Post Has 0 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top