Xin chào mọi người ~
Mình quay lại với một tập về mèo sau 2 ngày cuối tuần học được biết bao nhiêu kinh nghiệm – Mình đã dẫn Sumeow đi triệt sản!!
Xin nhắc lại là mình không có kiến thức khoa học về mèo, mình không phải bác sĩ thú y và mình cũng chỉ mới nuôi 1 em mèo. Series này tên là nhật ký tức là mình kể về những chuyện mình trải qua với Sumeow, cách mình đối phó và chăm sóc em. Hi vọng có thể giúp mọi người tham khảo và có ích phần nào nếu bạn cũng trải qua những khó khăn/trăn trở tương tự nha.
Trước triệt sản
Chuẩn bị tinh thần & sức khoẻ
Điều mình cần chuẩn bị “nặng nề” nhất là tinh thần của chính mình. Hic, lúc mang em về là em được tròn 3 tháng, mình đã biết sẽ có ngày phải triệt sản Sumeow, tầm 6-7 tháng. Lúc đó nghĩ là còn lâu, ai ngờ ngày đó tới nhanh dữ vậy. Mọi người biết không, tính nhẩm là sau Tết sẽ là lúc mình phải triệt sản cho em, mà qua Tết mình viện bao nhiêu lý do.. Phải đến mùa Covid19, công ty mình cho làm ở nhà ít nhất là đến hết tháng, mình mới can đảm ẵm em đi. Vì thời gian này mình có thể chăm sóc em 24/7.
Tuy nhiên mình cho bạn vài lời khuyên cũng như động lực để bạn dũng cảm hơn mình nha!
- Triệt sản trước kỳ động dục đầu tiên sẽ giúp bạn không phải chịu đựng cơn gào của mèo đó. Làm càng sớm càng tốt (à, sau 5-6 tháng trở lên nha)
- Triệt sản sẽ giúp mèo khoẻ mạnh hơn (không bị các bệnh về sinh dục), sống lâu hơn
- Triệt sản không tệ như bạn tưởng: em sẽ được gây mê, sau đó sẽ được uống thuốc giảm đau & chỉ tầm 7-10 ngày là khỏi hẳn
Tiếp theo, phải chuẩn bị sức khoẻ cho mèo trước khi triệt sản nha. Mèo nhà mình thì mình ẵm bé đi khám tổng quát và xét nghiệm máu tiền triệt sản, bác sĩ bảo mọi thứ OK thì mình mới quyết định.
Ngoài ra, hãy đảm bảo mèo được tiêm vaccine đầy đủ và cách ngày triệt sản tầm 1 tháng nha. Thực ra mình không biết đâu, con số 1 tháng là mình thấy hợp lý thôi. Hì, mình nghĩ không nên quá gần, mấy cái này dễ tương tác nhau lắm, nghĩ đơn giản là vậy đúng không?
Đêm trước ngày triệt sản
Hãy đảm bảo em mèo của bạn không ăn trong vòng 10-12 tiếng nha. Vì em sẽ bị gây mê, và kể cả người, gây mê khi có đồ ăn trong bụng sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ. Mèo yếu còn có thể tử vong.
Mình cũng khổ sở lắm. 8g tối mình cho Sumeow ăn bữa cuối, xót con nên cho nhiều. Nhưng sáng hôm sau đúng 7g em đạp mình hết nửa tiếng đòi ăn mà mình giả vờ ngủ. Phá mệt mà không được ăn nên Sumeow đi ngủ tiếp, mình muốn dậy đi vệ sinh lắm mà cố gắng nhịn, nằm im ngủ để Sumeow ngủ yên. Đến sát giờ mình mới dậy chuẩn bị và ẵm em đi. Cảm thấy khó khăn ngay cả việc đơn giản là cho mèo nhịn ăn 🙁
Ngày triệt sản
Chuẩn bị “hành lý”
Vì chỗ Sumeow làm, họ sẽ giữ bé lại nửa ngày (gửi 9:30, đón 5:00) nên chắc chắn mình phải chuẩn bị đồ ăn cho em. Thường thì họ có dịch vụ gửi mèo thì họ cũng có sẵn đồ ăn, nhưng mình nghĩ sau khi phẫu thuật xong em sẽ thích ăn đồ ăn quen hơn.
Mình chiết hạt ra hộp nhỏ vầy kèm theo pate để sẵn trong giỏ, dặn bác sĩ cho em ăn. À, bạn cũng có thể cho đồ chơi của bé vào để bé chơi ^__^
Ngoài ra, trước khi đi thì tốt nhất nên đợi bé mèo đi vệ sinh nha. Mình không chắc đi vệ sinh có giúp bác sĩ dễ dàng phẫu thuật hơn không, nhưng mình tin là sẽ tiện hơn cho bé mèo vì em sẽ phải “xa” chậu cát quen thuộc của mình nửa ngày trời, đi được lần nào ở nhà trước thì hay lần đó!
Review: Animal Doctors Quận 2
Mình quyết định dẫn Sumeow đến Animal Doctors sau khi xem chị Giang ơi triệt sản em Tuyết ở đây. Có vẻ là một bệnh viện thú y uy tín với nhiều bác sĩ từ nước ngoài. Mình đã biết là mắc rồi nhưng không ngờ nó quá mắc mọi người ạ.
Mình chia sẻ về chi phí trước nha. Tổng chi phí mình chi ra là 5.000.000 VND đó. Tiền này bao gồm tiền khám 500.000, xét nghiệm máu 1.350.000, triệt sản 1.500.000, vòng cổ chống liếm 230.000, còn lại là thuốc giảm đau, truyền nước, tái khám 🙁 Mình quên lấy receipt nên chỉ nhớ chính xác vài khoản như vậy. Quá mắc đúng không? Tới tiền tắm và grooming thôi mình thấy bảng giá lên đến gần 3.000.000 full service đó. Trời ơi.
Dịch vụ ở đây cũng bình thường. Bác sĩ thì okay, dặn dò nhiều nhưng lễ tân thì mình đặt chỗ bảo là không cho đặt thứ 7 chủ nhật, dù bác sĩ đã dặn mình thứ 7 đến. Mình hỏi ra thì bảo cuối tuần phải đặt riêng bác sĩ, không đặt qua lễ tân được. Ơ? Thế là mình bảo bạn ý đi hỏi bác sĩ giùm mình. Việc này mà cũng phải để mình nói mới làm được thì kì thật luôn..
Còn kĩ thuật thì mình nghĩ là tốt vì Sumeow nhà mình có vẻ khoẻ & trộm vía không có vấn đề gì khác thường. Nghe chị Giang nói ở đây không may vết thương mà để tự lành. Mình cũng không biết vì không được nghe về cái này.
À, mình có xem vài clip dẫn mèo đi triệt sản thì hình như nhiều chỗ họ còn nhờ mình ẵm mèo để tiêm thuốc mê, rồi mìn đợi ở đó 30 phút trong lúc bác sĩ phẫu thuật, ẵm mèo về chăm. Nếu vậy thì đối với một người ít kinh nghiệm như mình, bên Animal Doctors đã làm hầu như tất cả cho mình, chỉ cần đưa đón bé và theo dõi sau phẫu thuật thôi. 2 lần tái khám vào ngày thứ 3 và thứ 10 cũng được tính vào gói triệt sản nha. Họ sẽ kiểm tra xem mọi thứ có ổn không, mình thấy vậy cũng đỡ lo.
Sau triệt sản
Mình đón Sumeow sau khi em tỉnh thuốc mê. Bác sĩ bảo em không ăn gì, chắc là do mệt hoặc chưa tới cử hoặc bác sĩ không biết cách trộn sao cho ngon :P. Lúc này ẻm đã được đeo vòng cổ, người hơi lừ đừ, không kêu gì cả.
Trên đường chở về mình có nhìn xem em đang làm gì, thấy mình nhìn Sumeow liền méo lên mấy tiếng giận dỗi, haha. Nghe kêu là thấy khoẻ rồi.
Ăn uống
Vừa về là mình cho ăn liền & em ăn ngon lành. À mình chia sẻ tip đặt bát ăn và uống nước nha. Nước thì mình cho vào cái thau thiệt to để em đưa miệng vào uống không vướng vòng cổ. Bát ăn thì mình kê nghiêng thế này. Sumeow cứ đi lòng vòng để ăn cho hết.
Tuy nhiên sau 1 ngày mình đã thay đổi chiến thuật 1 chút.. Ngày đầu tiên Sumeow ăn phần ít ít nhưng nhiều lần do em chưa khoẻ lắm. Ngày thứ 2 mình cho em ăn đúng bữa hằng ngày nên mình áp dụng cách là gỡ vòng cổ cho em lúc ăn. Sumeow ăn tập trung nên không có liếm vết thương. Mình ngồi canh suốt, cứ liếm vết thương là mình chặn lại. Liếm những chỗ khác thì thoải mái.
Đeo vòng chống liếm
Mèo nên được đeo vòng chống liếm sẽ ngăn mèo không liếm vào vết thương. Vì lưỡi mèo nhiều gai, liếm vào đó có thể gây rách và nhiễm trùng. Dù có xót cỡ nào thì bạn hãy cố gắng 7-10 ngày nhé, khỏi là sẽ tung tăng thôi.
Lúc đeo vòng cổ em cực kì khó chịu. Sumeow nhà mình sức khoẻ hoàn toàn ổn định và sinh hoạt bình thường, trừ việc ức chế vì cái vòng này thôi. Nên mình phải tranh thủ gỡ ra cho em dễ chịu, chịu khó canh không cho liếm vết thương. Thêm nữa là lúc đeo vòng cổ, mèo sẽ hơi khó khăn khi lấp cát lại sau khi đi vệ sinh ý. Tụi nó cúi đầu xuống thì sẽ dính cát và **** đó. Nên là bạn cũng nên canh chừng sau khi ẻm đi xong thì lau sạch hoặc gỡ ra rửa cái vòng lại cho vệ sinh.
Vận động
Bác sĩ dặn là cho em ít vận động thôi. Mà khó quá, Sumeow nó nhảy khắp nhà, chẳng lẽ phải dẹp bàn ghế, không được 🙁 Mình cất bớt đồ chơi thôi. Nhưng mèo nhà mình khoẻ lắm, mới đầu chưa quen nhảy còn té chứ lần 2 lần 3 là nhảy như siêu nhân.
Theo dõi vết thương & uống thuốc giảm đau
Mỗi ngày 2 lần, mình kiểm tra vết thương của Sumeow xem có sưng hay chảy máu gì không. Làm vậy để chắc chắn em đang hồi phục chứ không bị tổn thương thêm gì cả. Nếu có gì bất thường mình có thể liên hệ bác sĩ ngay.
Mình được cho thuốc giảm đau và dặn là trộn với đồ ăn (lượng ít để đảm bảo là em uống hết thuốc). Mỗi ngày 1 lần. Mình cho uống buổi sáng vì lúc đó em đói nhất.
Trộm vía Sumeow khoẻ lắm! Ngày mai 9g mình sẽ dẫn em đi khám hậu phẫu 1 lần. Tuần sau (ngày thứ 10) lần cuối nữa là xong. Mình sẽ update vào phần 3b nha.
See ya!
This Post Has 0 Comments